Với giới trung lưu, ngôi nhà thứ hai là nơi họ tìm về để nuôi dưỡng một bản thể khác của chính mình, khi mà nhu cầu tinh thần và văn hoá sống đã chịu ít nhiều ảnh hưởng từ Tây phương.

Một ngôi nhà từ xa xưa đến giờ, vẫn luôn là giấc mơ, và mục đích kiếm tìm và chăm chút của bất cứ ai.
Hàng tỷ người nắn nót viết hoa chữ Home đó. Ngoài một số ít kẻ may mắn không cần mơ ước chi cũng tự nhiên có, rất nhiều người không thể qua được nét đầu tiên, hoặc dở dang, hoặc gian nan khó khăn lắm mới hoàn thành nét cuối.
Nhưng xã hội vận động và phát triển đến mức khái niệm “ngôi nhà thứ hai” đã có mặt trong đời sống của chúng ta từ lúc nào. Khái niệm đó nếu nhìn trong toàn bối cảnh, có nghĩa là ngôi nhà thứ nhất, nơi thiết yếu nhất trong đời sống để có chỗ ra vào ngày đêm, ngôi nhà che nắng che mưa, khá nhiều người đã đạt được. Ngôi nhà thứ hai, thứ ba hay thứ n của giới thượng lưu là nơi xa xỉ với hàng trăm tiêu chuẩn sống rườm rà. Còn với giới trung lưu, ngôi nhà thứ hai là nơi chốn nhỏ xinh, họ tìm về để nuôi dưỡng một bản thể khác của chính mình, khi mà văn hoá sống và nhu cầu tinh thần đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ Tây phương.

Chúng ta gắng sức làm việc và ước ao, có một ngày, sau ngôi nhà thứ nhất, ngôi nhà thứ hai sẽ hiện ra. Thông thường, nó được các nhà bất động sản mô tả thật lôi cuốn hấp dẫn như sau: “Tại đó, chủ nhân có thể tận hưởng các kỳ nghỉ cùng gia đình, thư thái với cuộc sống gần kề những kỳ quan, cảnh quan thiên nhiên, những bãi biển tuyệt đẹp và trải nghiệm văn hóa tuyệt vời với người bản địa. Sự thoải mái trong căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp với đầy đủ tiện nghi, tiện ích nội khu đa dạng, đẳng cấp sẽ là điểm cộng mang đến những trải nghiệm ngoài sức tưởng tượng về một phong cách sống…”.
Ở góc nhìn tương đồng và sâu sắc hơn, một người được xem là thành đạt, chủ nhân của nhiều ngôi nhà đẹp, đã nói: “Tài sản nên dùng để nâng cao cuộc sống của chúng ta và của những người khác, thúc đẩy một cảm giác chung về hạnh phúc”.
Phải, xét về mặt công năng, ngôi nhà thứ hai “ngon” hơn ngôi nhà thứ nhất nhiều. Chúng ta có thể ở, có thể cho thuê, thậm chí có thể vừa cho thuê vừa ở, cho thuê lúc đi vắng, cả cho thuê lúc có mặt. Đó là những giá trị đương nhiên mà chúng ta sẽ được dịp thích thú khám phá dần. Hơn nữa, hiện nay trên toàn thế giới, con người càng ngày càng sáng chế ra những cách trao đổi chỗ ở vô cùng tiện lợi, đa dạng, để giúp nhau đi đi lại lại, khám phá thế giới, tìm kiếm thêm mối quan hệ, tình yêu và tình bạn mới. Chúng ta đã biết hình thái của Airbnb, Au pair, Homelink international, Couchsurfing… Với những phần mềm vô cùng hữu dụng để chúng ta trở thành chủ nhân chỉ trong vài cú nhấp chuột. Nó cũng gia tăng sự kiểm soát rủi ro cho bạn ở mức tinh vi đến từng chi tiết nhỏ. Vì vậy, khi có một ngôi nhà mơ ước, cánh cửa mở ra thế giới của bạn ào ạt gió bốn phương.
Nhưng giá trị của ngôi nhà thứ hai, không phải dễ có, có khi còn khó hơn cả việc làm ra tiền để mua nhà. Nơi đó, chốn đi về, cõi riêng đó, nhất thiết phải được vun đắp bằng tâm hồn của chủ nhân. Ở ngôi nhà trong thành phố, ta có thể bừa bộn lộn xộn chút, vì ta còn bận đi làm, bận con cái, bận giao tiếp tiệc tùng ngoài đường, hàng trăm thứ việc không tên, ta có thể không trang trí như ý ta muốn được vì hàng tỷ lý do. Ta có thể xuềnh xoàng vì cuối tuần, cuối tháng ta sẽ đi nghỉ ngơi ở một nơi yên tĩnh xinh đẹp hơn.

Nhưng hình như không ai nỡ để cho ngôi nhà thứ hai vô hồn, xấu xí, ngổn ngang cả. Bởi ta biết, nếu ta dùng nó để cho thuê, với phân khúc khách hàng biết chọn chỗ đáng đồng tiền bát gạo để nghỉ ngơi, họ biết chê cả khách sạn 5 sao; ta càng phải làm cho nó có phong cách, tạo ra sức hấp dẫn của riêng nó. Ta phải chăm chút gấp nhiều lần mới mong cạnh tranh được với hình ảnh của những ngôi nhà cho thuê khác xinh xắn, như những tổ ấm đợi người.
Này nhé, nếu bỏ qua việc cho thuê cho mướn, hãy dùng chút lãng mạn còn rưng rưng sót lại, sau những thăng trầm chìm nổi của cuộc sống. Ta sẽ về ngôi nhà đó, sống những khoảng thời gian có ý nghĩa cùng với nó, thủ thỉ tâm tình với nó, mở cửa ra nghe sóng biển, thấy màu xanh lộng lẫy bát ngát của đại dương, đội chiếc mũ rơm rộng vành, thả chân trần trên cát mịn, Hoàng hôn đến, ta mở ánh đèn dịu dàng với độ sáng tối gợi cảm cho từng góc nhà, mở valse, tango buồn vui dặt dìu…
Không gian sẽ tịch liêu êm ả nếu ta muốn cô đơn, hoặc sẽ khẽ khàng ấm áp reo vui khi ta có một tri kỷ hoặc ít nhất một người có thể cười với ta, im lặng hoặc nheo mắt trêu đùa với ta, hay người chồng người vợ quen thuộc bỗng trở nên dễ thương hơn mới mẻ hơn. Ta làm lụng, mưu cầu, ngược xuôi… chẳng phải chỉ vì những những giây phút hạnh phúc đó sao? Ta sẽ sung sướng âm ỉ mãi khi ngắm nghía từng thứ ta đã bày biện, khi ta nhớ rằng nó là của ta chứ không phải của homestay hay khách sạn. Ta ngồi nâng niu chiếc chìa khoá, nó sẽ đón ta về vào bất cứ lúc nào.
Ai đã từng xem bộ phim “Ngôi nhà hạnh phúc” (Full house) sẽ nhớ một bờ sông hay bờ biển gì đó xa xa thấp thoáng, khi nhân vật nữ vui hay buồn, cô thường chạy ra đó với thiên nhiên. Cô có căn bếp xinh quá là xinh, chiếc bàn làm việc nhỏ, hơi bừa bộn theo ý cô và một ô cửa sổ, một cây cầu thang vừa tầm mắt, nửa gỗ nửa gạch, đủ loanh quanh để chạy lên chạy xuống bổ vập tươi cười hay cãi cọ nhặng xị với một anh chàng. Bấy nhiêu thôi, ngôi nhà và khuôn viên duyên dáng, không tẻ nhạt, đủ cho những khung hình làm dấy lên biết bao nhiêu giấc mơ thầm kín.
Vì vậy, hãy mang về ngôi nhà thứ hai những vật dụng mà mình yêu thích nhất, có dấu ấn buồn vui hay thương nhớ, có thể làm mình khóc một chút hay cười một tí nếu nhìn thấy nó. Những cảm xúc đó khó có thể có, nếu ta đặt chúng ở một nơi hối hả đầy lo toan. Chúng sẽ không có dịp biểu đạt tâm hồn giúp ta.
Hãy để dành trong ngôi nhà đó những cuốn sách, những đĩa nhạc, những bộ phim mà ta thích đọc, thích nhâm nhi nhất.
Hãy chỉ mời về những người bạn ý tứ, nói cười vừa phải, tinh tế và hiệu biết. Nếu có một người ta có thể yêu và tin cậy được thì trên cả tuyệt vời. Vì đời không như là mơ, nên nếu có những giấc mơ nhỏ hay hạnh phúc ngắn, ta cứ thảnh thơi mà đón nhận. Sau khi ta đóng cửa rời đi, ngôi nhà bé xinh ấy sẽ ôm ấp giữ lại cho.
Còn việc trang hoàng bày biện nữa, không cần phải những bộ bàn ghế lực lưỡng phó trưởng tài nguyên gỗ rừng, chỉ cần những đồ vật và màu sắc vừa đủ, vừa xinh, vừa duy nhất…

Người bạn tôi, nhà văn Đoàn Minh Phượng từng viết về trải nghiệm của chị khi làm khách trong một ngôi nhà dễ thưởng: “Năm trước, tôi yêu một căn nhà vì kiến trúc đẹp, vừa mắt mình; nay tôi yêu một căn nhà vì nó làm tôi tưởng tượng được buổi tối êm đềm của những người sống ở đó, và khi phải đi xa, những kỷ niệm gì họ đem theo….”
HƯƠNG THUỶ