Nâng cao hạ tầng giao thông là một trong những việc quan trọng cần thiết nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Trải dài từ Nam ra Bắc là những dự án cao tốc trọng điểm đã và đang trong giai đoạn quy hoạch. Dưới đây là những dự án giao thông dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020 tạo thuận lợi cho việc di chuyển và phát triển khu vực.
Dự án đường vành đai 3 Hà Nội
Dự án vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch – Nam Thăng Long với độ dài 5,5 km bao gồm đường cao tốc trên cao và đường mở rộng bên dưới. Với tổng mức đầu tư của hai dự án lên đến gần 8.500 tỷ đồng. Điểm đầu từ cầu vượt Mai Dịch đến điểm cuối là tuyến đường giao với Cầu Thăng Long.

Tuyến đường này đi qua các nút giao thông trọng điểm của thủ đô Hà Nội như đường Phạm Hùng, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu. Đây là đoạn đường có lượng phương tiện qua lại vô cùng đông đúc, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Dự án đường mở rộng bên dưới quy mô 6 làn xe đã hoàn thành vào tháng 10/2019. Với đoạn cao tốc trên cao quy mô 4 làn xe có tổng vốn đầu tư 5.340 tỷ đồng và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 09/2020.
Dự kiến sau khi hoàn thành đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long sẽ khép kín đường vành đai 3 Hà Nội để các phương tiện giao thông từ các tỉnh phía Bắc di chuyển đến phía Nam và ngược lại không phải qua khu vực trung tâm. Từ đó giảm được thời gian cũng như lưu lượng giao thông tránh gây ùn tắc trong nội đô.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông
Dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội đã hoàn thành xong toàn bộ khối lượng xây dựng bao gồm dài 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh xung quanh. Theo quy trinh, việc nghiệm thu dự án do phía Việt Nam thực hiện, đơn vị tư vấn độc lập ACT (Pháp) sẽ là đơn vị đánh giá an toàn kỹ thuật. Sau đó bàn giao và thanh toán công trình từ Tổng thầu Trung Quốc cho Bộ Giao thông Vận tải. UBND Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ dự án để vận hành khai thác.
Chỉ đạo từ Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu giải quyết các vướng mắc còn lại, nhanh chóng đưa dự án vào khai thác vì người dân đang chờ đợi từng ngày. Theo thông tin được biết, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dự kiến vận hàng thương mại vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết thủ tục liên quan và các tài liệu của hạng mục dự án giữa Việt Nam – Trung Quốc có nhiều điểm chưa tương đồng. Dẫn đến công tác nghiệm thu và đánh giá an toàn bị kéo dài.

Mặc dù tàu chưa đi vào hoạt động chở khách nhưng dự án vẫn duy trì hoạt động nhiều hạng mục, phát sinh chi phí tiền điện 100 triệu đồng/ngày. Hơn nữa còn có chi phí trả lương, văn phòng cho toàn bộ nhân lực phía Trung Quốc và Việt Nam đang chờ đợi để vận hành tuyến đường sắt. Với tổng chiều dài 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh – điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa và tần suất khai thác từ 3 – 5 phút/chuyến, tốc độ trung bình 35km/giờ.
Dự án hầm Hải Vân 2
Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào năm 2016 gồm 2 giai đoạn với mức đầu tư lên đến 7.200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 là sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 để cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 là mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe. Dự kiến khai thác vào cuối năm 2020.
Hầm Hải Vân 2 được thiết kế hai ống hầm rộng 9.7m dành cho các phương tiện lưu thông một chiều, trong mỗi ống đảm bảo 2 làn xe rộng 7m. Đường bộ hành và bảo dưỡng rộng 1m, hai dải an toàn 1.5m. Tuyến hầm được mở rộng trên nền hầm lánh nạn dài 6.2 km, rộng 4.7m. Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục trung tâm cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, trạm thu phí và trạm dừng đỗ kỹ thuật.

Hiện nay hầm Hải Vân 2 đã thông hầm kỹ thuật toàn tuyến. Phần phía Bắc công trình thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế thi công đạt khoảng 80% khối lượng. Hau bên thành hầm, nhà thầu bắt đầu lát gạch men trang trí. Phần thuộc địa phận phía Nam TP Đà Nẵng vẫn còn khá ngổn ngang đang trong quá trình gia cố. Cầu Bắc Hải Vân bắc qua đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô) dẫn vào hầm Hải Vân 2 đang gấp rút thi công để hoàn thành. Theo thiết kế được công bố, cầu dài gần 2km với 2 làn xe giao thông.
Dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan
Dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan có chiều dài là 77km với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng theo hình thức BT, đây là đoạn tuyến nằm trong dự án đường Hồ Chí Minh. Dự án này có điểm đầu tại ngã ba La Sơn (Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) và điểm cuối tại nút giao Túy Loan (Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cao tốc có quy mô 4 làn xe, chiều ngang đến 24m, giai đoạn đầu có 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe dừng đỗ khẩn cấp nhằm đảm bảo phương tiện giao thông chạy với tốc độ 60 đến 80 km/giờ.
Theo kế hoạch công bố, dự án sẽ hoàn thành toàn tuyến vào tháng 12/2018 nhưng đã bị chậm tiến độ hơn một năm vì còn 11.5km đường từ nút giao Túy Loan đến khu công nghệ cao (Đà Nẵng) chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đây là tuyến đường được mở rộng để khớp nối với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi).
Việc chưa khớp nối đoạn tuyến dài 11.5km với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi khiến các phương tiện giao thông gặp khó khăn. Các phương tiện giao thông muốn di chuyển từ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ra các tỉnh phía Bắc phải di chuyển bằng các tuyến đường nhỏ rồi xuống Quốc lộ 1, xuyên qua hầm Hải Vân ra Thừa Thiên – Huế.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết trong quý I/2020 dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan sẽ thông xe kỹ thuật từ km 0 đến km 66, còn đoạn mở rộng vẫn còn phải chờ địa phương giải phóng mặt bằng.
Dự án cao tốc Long Thành – Bến Lức
Dự án cao tốc Long Thành – Bến Lức vướng việc giải phóng mặt bằng nên dự kiến hoàn thành năm 2020 sẽ trễ 2 năm so với dự kiến ban đầu.
Cao tốc Long Thành – Bến Lức có chiều dài 57.7 km, với vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD), được khởi công vào tháng 7/2014. Cao tốc đi qua các tỉnh Long An, TP HCM và Đồng Nai. Do điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, tuyến cao tốc phải xây dựng hơn 20km cầu và cầu cạn. Trong đó bao gồm hai cầu lớn xây dựng theo kiểu dây văng là cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh.
Sau 4 năm triển khai xây dựng, dự án đã hoàn thành khoảng 80% tuy nhiên khu vực tuyến chính cao tốc và đường dẫn quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP HCM) và tỉnh Đồng Nai vẫn còn nhiều hộ dân chưa được giải phóng mặt bằng. Đây là những trường hợp có khiếu kiện từ những năm trước đây.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Long Thành – Bến Lức sẽ giúp cho giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần đi qua TP HCM, tuyến đường thuận tiện nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc – quốc lộ, hệ thống cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, dự án cao tốc cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, 51 và rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.